Chú Giải Tin Mừng Thứ Hai Tuần II Mùa Thường Niên | Mc 2,18-22 | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mc 2,18-22

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: NĂM LẺ: Dt 5,1-10

Tất cả các vị thượng tế được chọn giữa loài người nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa.

Ở đây bắt đầu một cuộc so sánh dài giữa chức tư tế Do Thái, chức của Đền thờ Giêrusalem với chức tư tế Kitô giáo Và đây là định nghĩa tuyệt hảo... “Chức tư tế giữ vai trò thông hiệp", “liên hệ" giữa loài người và Thiên Chúa. Từ ngữ La tinh "Pontifex ", có nghĩa là “người bắc cầu": linh mục (tư tế) là người phóng ra cuộc thông hiệp giữa hai bờ xa cách, đất với trời. Thật tai hại, từ ngữ 'Pontife" (Giáo Hoàng) đã mất đi ý nghĩa trong ngôn ngữ thường dùng và nay chỉ gợi lên ý kiêu căng, khoa trương, kiểu cách đại ngôn. Trong khi đó, nó phải gợi lên những thực tại như đối thoại, trung gian, “gạch nối”.

Người phải dâng lễ vật và hy lễ đền tội.

Khoảng cách giữa loài người và Thiên Chúa không chỉ là vực thẳm thông thường giữa tạo hóa với tạo vật, mà còn là sự đối nghịch giữa những địch thù mà một trong hai đã đặt mình vào tình trạng thù nghịch. Tội lỗi, dưới dạng thức chính xác không chỉ là một sự dửng dưng đối với Thiên Chúa mà còn là một sự chối bỏ Thiên Chúa: một trong hai bên là thù địch của bên kia! Thật khó để làm trung gian tái lặp tình thân và liên minh giữa hai phía.

Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính Người cũng mắc phải yếu đuối tư bề.

Một đức tính căn bản của tư tế là thông cảm, tế nhị, cởi mở và nhân hậu đối với các tội nhân, và tác giả dám quả quyết rằng Người có những đặc tính này nếu chính Người cũng "đầy yếu đuối”. Ngài biết tội nhân là gì, vì chính Người là tội nhân? Khi lắng nghe những tâm sự của những người lỗi phạm, ngài biết mình và Người có thể hiểu được. Những yếu đuối riêng có làm cho tôi nên nhân hậu đối với các tội nhân không?

Hay là tôi thuộc số những người có thái độ biệt phái, bỏ giờ để xét đoán và kết án những người làm điều ác, làm như cạnh tôi không hề làm như vậy?

Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì Người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.

Đúng vậy. Không nên có một chút kiêu ngạo này nơi người tư tế. Trước mặt Thiên Chúa, Người cũng là một người nghèo khốn. Một anh em giữa các tội nhân.

Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi.

Bởi vì, nếu không phải là niềm kiêu hãnh, thì đây là một danh dự đáng sợ, một trách nhiệm, mà người ta không đòi nhưng người ta khiêm tốn đón nhận.

Tôi cầu cho những người lãnh nhận lời “mời”, ơn gọi này, để họ biết lắng nghe và đáp trả.

Cũng thế, Đức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là đấng đã nói với Người rằng: "Còn là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”.

Chức tư tế của Chúa Kitô là độc nhất. Nó bắt nguồn trong chính thần tính của người. Với danh hiệu này, chỉ có một tư tế duy nhất. Một mình người thôi mới có thể làm nên mối liên kết giữa nhân loại với Thiên Chúa.

Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu mình khỏi chết. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu.

Một trong những diễn đạt cảm kích về cơn hấp hối của Chúa Giêsu: phải, nếu như không hề phạm tội, thì trái lại Người biết rằng vâng phục là điều khó khăn biết mấy!

Bài đọc II: NĂM CHẴN: 1Sm 15,16-23

Chúng ta đã khởi sự đọc sách Samuen cả một tuần nay rồi.

Có lẽ chúng ta còn cảm thấy lúng túng. Các bản văn này gợi lại các hoàn cảnh lịch sử rất xa xưa và rất khác biệt với các hoàn cảnh của chúng ta.

Nếu chúng ta kiên trì cầu nguyện dựa trên các bản văn đó, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, nhờ tính lạ thường của chúng, các bản văn đó thôi thúc ta không dừng lại nơi các chi tiết cụ thể (còn nên nhờ đến những chú giải thuộc khảo cổ và lịch sử để soi sáng chúng). Điều cần bàn là biết khám phá ra ý nghĩa sâu sắc của chúng.

Có sự hàm hồ sâu đậm giữa những cung cách đối xử và các nguyên tắc luân lý.

Vào thời Saolê, đã có một nguyên tắc luận lý mà mọi dân tộc đều thừa nhận: Kết thúc một cuộc thánh chiến, người ta sát tế toàn thể dân tộc bại trận. Nam phụ lão ấu, và cả gia súc. Việc làm đó được coi như để tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa, Đấng đã cho thắng trận.

Những nguyên tắc như thế làm chúng ta rùng mình. Nhưng dù sao theo lịch sử, những sự việc đó đã xảy ra. Đàng khác, điều gây khó chịu nhất, là Thiên Chúa lại tỏ ra như “hùa theo" tục lệ loài người này. Như thế sau việc đó? Người thừa nhận luật luân lý mà lương tâm con người đã tạo lập vào một thời dành cho sự phát triển của nó.

Tại sao ông không vâng lời Giavê?

Ngôn sứ Samuen trách cứ Saolê đã dụng tha một số quân thù. Có lẽ Saolê đã động lòng thương xót họ. Có lẽ ông đã tưởng rằng, “dâng tiến gia súc chiến lợi phẩm làm lễ vật cung hiến "thì đẹp lòng Thiên Chúa hơn là hủy diệt nó trong một “án lệnh triệt sinh.”

Phải chăng Giavê thích lễ thượng hiến và lễ tế hơn là vâng nghe tiếng Người ? Đúng vậy, vâng lời thi tốt hơn của lễ.

Điều đáng kể là làm theo "ý Thiên Chúa".

Vâng lời thì quan trọng hơn là dâng cúng.

Điều đó luôn hiện thực. Trong vẽ hàm hồ của các diễn tiến . luân lý càng ngày người ta càng lẫn lộn sự lành, sự dữ, cần phải đi tới điều cốt yếu là luôn tìm kiếm ý Chúa.

Đức Giêsu đã lập lại những lời tương tự: "Ta muốn lòng nhân chớ đâu cầu của lễ (Mt 9,13). "Nói theo tất cả các ngôn sứ, Đức Giêsu đã nhiều lần nhấn mạnh, cần phải “nội tâm h6a" lề luật và việc phụng tự.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận rõ hơn đâu là ý Chúa Trong nếp sống hiện tại, con đề ra những điểm con còn phân vân không biết điểm nào là tốt hơn cả. Lạy Chúa, con chứng nhận không hoàn toàn biết rõ, không cảm thấy an tâm trọn vẹn trong các thái độ của con... Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn tiếp tục tìm kiếm.

Bởi vì ông đã khước từ lời của Giavê, thì Người cũng phế bỏ ông thôi làm vua.

Sao lê đã hết sức tự bào chữa, nại cớ rằng mình ngày lành để chạy tội. Điều đó chứng tỏ sự lệ thuộc triệt để của ta đối với Thiên Chúa.

Khi Chúng ta đã làm hết sức để quyết định một điều gì ít xấu nhất, ta vẫn còn phải trao phó cho sự xét xử của Chúa. Đó là sự khiêm hạ, căn bản.

Chúng ta không tự biện minh cho mình cách chủ quan được Lạy Chúa, trong biến chuyển hiện nay trong những trạng huống còn mang tính hàm hồ, con muốn được sống tùy thuộc vào Chúa.

BÀI TIN MỪNG: MC 2,18-22

Nếu đọc liên tục Tin Mừng: theo thánh Marcô, đừng quên rằng chúng ta đang chứng kiến thánh Phêrô rao giảng, và Marcô được coi như thư ký riêng của ông. Vì thế, đọc Tin Mừng này theo mục đích riêng của nó là điều quan trọng. Thỉnh thoảng, còn quên đi ba Tin Mừng kia... Bởi vì khi ta hiểu rõ Tin Mừng theo thánh Matthêu, ta hay thích “so chiếu" từng trang của Marcô, xem cũng cùng thuật lại một cảnh, Matthêu đã bổ sung những chi tiết nào.

Tuần vừa qua, ta đã nhìn bước đầu, trong công cuộc rao giảng và hoạt động của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy Người chọn gọi năm môn đệ, và buộc những kẻ nhận biết Người như Con Thiên Chúa phái giữ im lặng.

Tuần này, qua mỗi trang Tin Mừng ta sẽ nhân thấy Chúa Giêsu và các môn đệ Người lập thành một Nhóm liên đới hết sức mật thiết, đối mặt với địch thù.

Trong ký ức của Phêrô, điều cơ bản đáng ghi nhận là: Chúa Giêsu gặp hết tranh luận này đến tranh cãi kia.

Vì môn đồ của Gioan Tẩy Giả và các người biệt phái ăn chay, người ta đến nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đệ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đệ của Ngài lại không ăn chay?”

Quả thực, tình liên đới mang tính toàn diện.

Thứ sáu vừa qua, họ đặt câu hỏi với các môn đệ về phong cách của Chúa Giêsu: Sao ông này lại nói thế? Ong nói phạm thượng!”

Hôm nay, ta thấy cũng những địch thủ đó, lại nêu vấn nạn với Chúa Giêsu về tư cách của các môn đệ Người: “Tại sao môn đệ của Ngài lại không ăn chay?”

Toàn bộ Tin Mừng của thánh Phêrô sẽ trải đầy sự xung đột như thế. Chúng ta mới dượt tới chương hai, thế mà đã thấy mối xung khắc sẽ dẫn tới cuộc Thụ Khổ của Chúa sau này, như đang được chuẩn bị.

Chúa Giêsu và các môn đệ Người đó là "Giáo hội" đang khởi sự.

Chúa Giêsu và các môn đệ Người là một nhóm người cứ bị đặt thành vấn đề... do cung cách sống khác thường.

Ngày nay, có còn đúng như thế không?

Chúa Giêsu nói với họ. "Các người phù rể có thể ăn chay, khi Tân lang còn ở với họ không?"

Đây là vụ xung đột thứ hai do Nhóm gây ra (cuộc xung đột thứ nhất là việc “tha tội!"). Do đó, đây là một thứ vui mừng nghịch thường: những hạng người không ăn chay, cứ ăn uống" tự nhiên thay vì phải kiêng khem, những hạng người có vẻ như dự lễ hội? Cho đến nay, những người đạo đức, những kẻ sống đời thiêng liêng, vẫn tự phân biệt mình với người khác nhờ sự khắc khổ và hi sinh của họ.

Chúa Giêsu trả lời: Phải, đúng là lễ hội! Các môn đệ của tôi là những người phù rể".. Họ đang có "Tân lang" ở bên mình... Đó là những con người sung sướng, vui vẻ. Nếu các địch thù có sẵn vốn liếng, họ đã hiểu hình ảnh ám chỉ trên: toàn bộ Kinh Thánh đều nói về đề tài “hôn nhân"... Toàn bộ Kinh thánh mà họ tưởng rằng mình nắm rất vững, đều đề cập đến Thiên Chúa như một Hôn phu kết ước với nhân loại.

Đây đã đến giờ thực hiện Giao ước mới. Đã đến giờ tổ chức tiệc cưới giữa Chúa Giêsu và con người.

Đây là thời gian mừng vui. Tôi có tinh thần đó không?

Tôi có là một môn đệ của Con người đó?

Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ... Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ... Rượu mới phải để trong bầu da mới.

Đúng cần phải biết chọn lựa. Hoặc là dừng lại trong “cái cũ", những kiểu sử dụng xưa, những thói tục cổ.

Hoặc là bước vào “cái mới”, canh tân, trẻ trung hóa. Ngay từ lúc khởi đầu, Chúa Giêsu không sợ phải quả quyết tính cách mới mẻ triệt để trong sứ điệp của Người.

Tin Mừng không phải là cái gì chắp vá, nhưng là điều mới mẻ.

Tôi có sống tinh thần đó không? Tôi có trở nên một môn đệ của Con người chủ trương như thế?

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Tranh luận về việc chay tịnh.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Theo Do Thái giáo thời Đức Giê-su, việc ăn chay liên kết với việc mong đợi Đấng Thiên Sai. Người ta bất mãn với thời thế và nóng lòng chờ đợi thời kỳ thiên sai. Nhưng các môn đệ của Gioan và các thầy biệt phái chỉ biết giữ chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Nên khi thấy các môn đệ Chúa không ăn chay thì trách Chúa. Đây cũng là thái độ sống đạo của những người vụ hình thức, sống đạo cách vụ lợi, và sống đạo cách mù quáng, nên hay đòi hỏi theo luật mà không để ý đến tinh thần của luật. Những người sống đạo như vậy rất dễ phê bình chỉ trích người khác và thường gây ra cớ chia rẽ cộng đoàn.

2. Việc các môn đệ Chúa Giê-su bị chỉ trích về việc không ăn chay, đã biến đổi sự ràng buộc giữa Chúa Giê-su và các môn đệ. Quả vậy, các môn đệ theo Chúa thì sống theo tinh thần của Chúa: không ăn chay để chờ mong, vì Đấng Thiên Sai đã đến rồi. Đây là bài học giúp chúng ta sống tính chất của công việc hơn là hình thức của công việc, sống đúng với tinh thần của luật hơn là chỉ giữ hình thức của luật.

3. Các người biệt phái ăn chay đều hạch sách các môn đệ Chúa Giê-su không ăn chay: những người đạo đức vụ hình thức thường tự phân biệt mình với người khác khi thấy người khác không giống mình.

4. Ăn chay theo tinh thần cũ là để chờ mong Chúa đến, nhưng Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế đã đến rồi, nên việc ăn chay theo thời Tân Ước là để sám hối hầu xứng đáng đón nhận ơn cứu chuộc của Chúa. Ngày nay Hội Thánh đòi hỏi chúng ta ăn chay là để tỏ lòng sám hối và đền tội.

5. Chúa ví Cựu Ước là áo cũ và bình da cũ và Tân Ước là áo mới và bình da mới. Chúa đòi hỏi những ai sống thời đại Đấng Cứu Thế đã đến tức là thời Tân Ước, phải sống phù hợp với tinh thần mới. Qua bí tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta đã cởi bỏ con người cũ, con người thuộc về ma quỷ, để mặc lấy con người mới, con người thuộc về Chúa Giê-su Ki-tô. Vì thế chúng ta phải thật lòng cởi bỏ những thói hư tật xấu theo kiểu thế gian và nỗ lực sống hoàn thiện theo tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô:

- Là kitô hữu thì không được sống theo kiểu lương dân nữa.

- Là tu sĩ thì không được sống theo kiểu giáo dân nữa… vì như vậy là không phù hợp và gây tai hại cho phẩm giá của mình.

6. Giáo huấn của Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay, dạy chúng ta đang sống giữa thế gian, cần phải nêu cao tinh thần không còn thuộc về thế gian nữa, từ ý nghĩ, suy tư, lời nói, cách sống và việc làm của mình.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.